Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đo đạc và bản đồ - Ảnh: Quốc Khánh
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tham dự phiên họp thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đo đạc và bản đồ - Ảnh: Quốc Khánh
Dự thảo Luật đo đạc và bản đồ gồm 63 điều thể hiện trong 9 chương. Dự án Luật đã được Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, đã tổng kết việc thực hiện Nghị định số 12 năm 2002 và Nghị định số 45 năm 2015 về hoạt động đo đạc và bản đồ; đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của hơn 30 luật đo đạc và bản đồ của các nước trên thế giới, đặc biệt là của các nước tiên tiến như: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật bản, Hàn Quốc, Ba Lan, Pháp, Ý…
Trong quá trình xây dựng luật, đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; các ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được nghiên cứu, giải trình, tiếp thu đầy đủ. Trên quan điểm chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, không tạo ra sự chồng chéo, mâu thuẫn với các luật đã ban hành và tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…
Đại biểu Lê Minh Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá phát biểu thảo luận về dự án Luật Đo đạc và bản đồ - Ảnh: Quốc Khánh
Dự thảo Luật được xây dựng trên các nguyên tắc: Nhà nước thống nhất quản lý các hoạt động đo đạc và bản đồ, quy định hành lang pháp lý, chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật đo đạc và bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ quốc gia đồng bộ, hiện đại nhằm đảm bảo cung cấp thông tin địa lý đầy đủ, chính xác, kịp thời, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; quản lý, giám sát tài nguyên, môi trường; phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn; nâng cao dân trí; làm nền tảng để phát triển Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia.
Đồng thời, đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ đo đạc và bản đồ. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho sản xuất và phát triển các ứng dụng thông tin địa lý phục vụ nâng cao dân trí, tiến bộ xã hội; sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ vào hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh và các nhu cầu của đời sống…
Ngay phần đầu phiên thảo luận đã có 17 vị đại biểu như: Nguyễn Trọng Bình (Hải Phòng); Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình); Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến tre); Lê Minh Thông (Thanh Hóa); Nguyễn Tạo (Lâm Đồng); Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình); Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai)… phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ.
Cuối buổi thảo luận chiều 20/11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà sẽ phát biểu làm rõ các vấn đề mà các vị Đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật sáng 20/11, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Đo đạc và Bản đồ; cho rằng dự án Luật phải được xây dựng trên tinh thần quán triệt đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên một số đại biểu cũng đề nghị, Ban soạn thảo cần hoàn thiện thêm, thể hiện rõ hơn, sâu sắc hơn việc cần thiết phải ban hành Luật trong tình hình hiện nay.